Nha khoa thẩm mỹ

Phản ứng của tủy với các thủ thuật điều trị nha chu

Bệnh nha chu gây ra mất bám dính, làm lộ bề mặt chân răng trong môi trường miệng. Đôi khi có viêm tủy thứ phát xảy ra ở răng bị viêm nha chu nặng. Một vài nghiên cứu cho thấy có sự thâm nhập vi khuẩn thông qua các ống ngà mở trên bề mặt chân răng, gây ra viêm nhẹ trong tủy. Thường thì tủy hoại tử hay tổn thương quanh chóp không lành biểu hiện những dấu chứng lâm sàng của bệnh nha chu hơn là bệnh nha chu gây ra bệnh lý tủy. Tổn thương nội nha nguyên phát, bệnh lý nha chu thứ phát thường biểu hiện nhất là khi có thủng sàn hay phần ba cổ của ống tủy khi điều trị nội nha hoặc gãy dọc chân răng, khiếm khuyết lúc sinh như rãnh khẩu cái trên bề mặt chân răng. Thường thì vi khuẩn từ bên trong ống tủy đi ra ngoài gây ra bệnh lý nha chu hơn là vi khuẩn từ túi nha chu đi vào gây ra bệnh lý trong tủy. Khi tủy còn sống, dịch ngà với áp lực dương chảy từ bên trong tủy ra ngoài phần nào giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào tủy từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi tủy đã chết, vi khuẩn ở bên trong ống tủy có điều kiện tốt để ra ngoài, gây ra hay làm trầm trọng thêm tình trạng túi nha chu, tiêu xương ổ.

Các thủ thuật nạo túi và xử lý mặt chân răng có thể làm lộ ngà trong môi trường miệng do đã lấy sạch phần xê măng bao phủ chân răng. Thường điều trị này cũng gây ra nhạy cảm ngà. Theo lý thuyết, bệnh nha chu và điều trị có liên hệ với sự tăng tỷ lệ bệnh lý tủy. Mặc dù bệnh nha chu và việc điều trị nha chu có thể gây ra bệnh lý tủy răng nhất là trong trường hợp có ống tủy phụ bị bộc lộ, nhưng tỷ lệ này rất thấp.

Kích thích cơ học: di chuyển răng do chỉnh hình

Thay đổi dễ thấy nhất trong phản ứng của tủy với lực chỉnh hình là huyết động học. Cả lực ngang và lực làm lún răng đều làm tăng lưu lượng máu trong tủy. Sự thay đổi lưu lượng này còn không bị giới hạn ở bên trong tủy trong những lúc di chuyển răng tích cực. Tăng lưu lượng máu cũng quan sát thấy ở những răng gần tâm của lực di chuyển cho thấy các lực đã được định hướng trên một răng có thể làm chuyển dòng chảy cho các mạch kế cận cung cấp máu cho các cấu trúc khác trong miệng, bao gồm cả răng. Nếu lực quá mạnh, mạng cung cấp máu có thể bị đứt gây ra hoại tử tủy.

Những nghiên cứu sinh học, hóa sinh học và mô học về ảnh hưởng của lực chỉnh hình cho thấy có những thay đổi viêm và trao đổi chuyển hóa xảy ra trong tủy răng. Những chất đánh dấu hóa sinh và phân tử chắc chắn là sự chết và hoại tử tế bào tủy tăng lên sau khi di chuyển răng. Khảo sát mô học tủy răng các răng bị làm lún cho thấy có sự tắc và giãn mạch, cũng như sự tụ tập không bào ở lớp nguyên bào ngà. Hầu hết các thay đổi này là do những thay đổi về tuần hoàn, và có tính tạm thời miễn là lực di chuyển không quá mức.

Phản ứng của tủy với phẫu thuật chỉnh hình

Việc cắt xương hàm trên hay hàm dưới làm đứt nguồn cấp máu cho răng trong vùng phẫu thuật dẫn đến viêm và/hoặc hoại tử tủy. Đôi khi các răng nằm trong vùng bị ảnh hưởng có biểu hiện tương tự chấn thương. Dùng laser doppler đo lưu lượng, nhiều nghiên cứu cho thấy có sự giảm lưu lượng máu trong tủy ngay sau khi cắt xương dạng Le Fort I, nhất là trong phẫu thuật cắt đoạn xương. Trong đa số các trường hợp, tuần hoàn sẽ trở lại bình thường sau vài tháng. Kỹ thuật cắt xương dạng Le Fort I biến đổi giúp giảm thiểu ảnh hưởng tuần hoàn vùng liên quan. Dùng kỹ thuật đo lưu lượng bằng laser doppler, các nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về lưu lượng máu trong tủy giữa hai loại kỹ thuật phẫu thuật.

Kích thích sinh cơ học: các thói quen cận chức năng

Men đề kháng với lực uốn, nhưng ngà bên dưới thì tương đối đàn hồi. Do đó, những khiếm khuyết ở men thứ phát do nứt, sâu và/hoặc sửa soạn cho phục hồi cho phép các múi răng bị uốn, phản ứng tủy sau đó do sự chảy của dịch ngà thứ phát do nén ép và do vi kẽ. Mức độ của phản ứng tủy phụ thuộc vào mức và tính mạn tính của biến dạng ngà răng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ biến dạng ngà răng khi chịu lực. Dạng hình học của xoang ảnh hưởng trực tiếp đến sự uốn múi răng. Độ rộng của eo trên mặt nhai liên hệ với chiều rộng ngoài trong của xoang, phần còn lại của gờ bên, trực tiếp liên hệ với sự uốn múi răng. Xoang loại MOD (gần – nhai – xa) làm giảm 50% độ cứng chắc của múi răng và tính kháng gãy. Các đặc tính vật lý của vật liệu cũng ảnh hưởng đến sự uốn múi răng. Sự co khi trùng hợp của một số loại composite cũng làm múi răng bị lệch trong, tạo ứng suất lên cấu trúc răng.

Các triệu chứng từ uốn múi răng có thể đến từ hai nguồn. Uốn múi răng dẫn đến biến dạng ngà, làm dịch ngà chảy trong ống, kích thích các đầu tận thần kinh trong lớp nguyên bào ngà. Nguồn kích thích tủy thứ hai là từ các vi kẽ giữa vật liệu và ngà, vốn mở theo chu kỳ lúc nhai. Nếu uốn múi răng gây ra nứt, ngà bị lộ với vi khuẩn và các sản phẩm của vi khuẩn càng tăng. Các sự dịch chuyển ngà trong ống và vi khuẩn đều kích thích tủy tạo ra viêm và gây ra các triệu chứng nhạy cảm với nhiệt và khi ăn cho bệnh nhân. Trong trường hợp có thói quen cận chức năng, thường kết hợp với lực nha chu gây chấn động gây ra viêm quanh chân răng, lung lay và thay đổi trên phim tia X.

Nứt ngà lộ ống ngà không có lớp mùn vì vậy tạo một lối trực tiếp vào tủy. Khi ống ngà mở, dịch ngà chảy ra ngoài do áp lực cao bên trong ống tủy. Dịch ngà có nhiều protein như fibrinogen và albumin huyết tương có thể đông đặc và bít kín các ống ngà nhờ đó hạn chế sự di chuyển của dịch gây ra nhạy cảm ngà. Hiện tượng này có thể xảy ra trong 2 ngày. Bởi vì cơ chế này chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn nên xơ hóa ngà và ngà thứ ba mới chính là biện pháp bảo vệ lâu dài cho tủy, loại bỏ các triệu chứng. Can thiệp lâm sàng bao gồm các biện pháp bít kín ống ngà bằng vật liệu hay thực hiện phục hồi bên ngoài bảo vệ thân răng, ngăn không cho đường nứt lan rộng.