Những ngày không nên nhổ răng, Sự thật khoa học và tâm linh

Bạn có tin vào những câu chuyện may rủi khi đi nhổ răng trong các ngày đặc biệt? Những lời truyền miệng trong dân gian khuyên những ngày không nên nhổ răng vào mùng 1, tháng cô hồn… hoặc trong những ngày đen đủi có thể đã gắn liền với tâm linh và quan niệm truyền thống. Tuy nhiên, liệu có cơ sở khoa học nào để chứng minh những quy tắc này?

Người xưa thường có câu “có kiêng, có lành”, mặc dù không biết có may rủi hay không nhưng nếu tránh được những ngày xấu thì vẫn khiến lòng chúng ta an tâm hơn. Hãy cùng khám phá sự thật đằng sau những ngày không nên nhổ răng, thời điểm nhổ răng phù hợp nhất là khi nào, cùng thảo luận về các vấn đề này trong bài viết bên dưới nhé.

Thời gian nhổ răng phù hợp là khi nào?

Thực tế thời điểm nhổ răng phù hợp nhất là đúng chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Bạn có thể lựa chọn thời gian nhổ răng vào bất cứ khi nào trong ngày, miễn là đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích bạn nên đi nhổ răng vào buổi sáng là tốt nhất.

kham-rang-nho-rang
Khám nhổ răng ở thời điểm thích hợp nhất

Có nên nhổ răng vào buổi chiều hoặc buổi tối không?

Nhiều người có thói quen ngủ dậy muộn hoặc không tranh thủ nhổ đi khám và nhổ răng vào buổi sáng được thì vẫn có thể nhổ răng vào buổi chiều hay buổi tối.

Về mặt khoa học thì không có sự khác biệt nhiều giữa nhổ răng buổi sáng và buổi chiều, tối. Mức độ an toàn và rủi ro đều như nhau. Do vậy, một số chiếc răng sâu, đang đau khó chịu cần phải nhổ thì có thể làm ngay mà không cần phân biệt giờ hay buổi nào trong ngày.

Thậm chí, buổi tối sau nhổ răng bạn có thể về uống thuốc và đi ngủ ngay để quen đi cảm giác khó chịu nếu có sau nhổ, sau khi thức dậy thì mọi thứ đã trở về tình trạng bình thường.

Nhưng sẽ tốt hơn nếu thực hiện vào buổi sáng, một số trường hợp răng khó, răng hàm hoặc răng khôn thì việc nhổ răng đòi hỏi cần nhiều thời gian hơn, đồng thời sau nhổ cần kiểm soát các vấn đề có thể phát sinh như đau nhức, chảy máu… cần được kiểm soát nên nếu nhổ răng khôn vào buổi tối quá muộn có thể không được theo dõi sát và xử trí kịp thời các sự cố nếu xảy ra.

Hạn chế nhổ răng khôn và các răng khó vào buổi tối vì ca nhổ có thể kéo dài, bệnh nhân khó theo dõi và xử trí nhanh các tai biến sau nhổ hơn ban ngày. Vì nếu có vấn đề gì xảy ra bệnh nhân có thể quay lại phóng khám để giải quyết ngay mà không phải đợi hết đêm qua ngày hôm sau.

nho-rang
Nhổ răng vào buổi chiều hay buổi tối đều có thể thực hiện được

Vì sao bác sĩ khuyên nhổ răng vào buổi sáng

Như đã trình bày ở trên, nếu như nhổ răng để giải quyết tình trạng viêm nhiễm cấp tính, đau nhức thì đều có thể thực hiện vào bất cứ buổi nào. Tuy nhiên thực tế cho thấy, buổi sáng là thời điểm vàng tốt nhất để nhổ răng, kể cả răng khó, răng khôn, răng mọc ngầm hay mọc lệch.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên nhổ răng vào buổi sáng do một số lý do:

  • Cơ thể vào buổi sáng thường đạt trạng thái ổn định nhất về mặt tâm lý: cơ thể được nghỉ ngơi sau một giấc ngủ ngon vào hôm trước, bạn bạn cũng bớt căng thẳng hơn.
  • Có khoảng thời gian theo dõi sau nhổ: các vấn đề về đau nhức và chảy máu sau nhổ là 2 vấn đề thường gặp cần xử trí nhanh chóng và kịp thời cho bệnh nhân. Do đó nếu có bất kỳ vấn đề gì không mong muốn xảy ra sau nhổ, bệnh nhân có thể quay lại vào buổi chiều để xử trí ngay.
  • Nếu nhổ răng vào buổi tối hay chiều, sau nhổ bệnh nhân về nhà có thể sẽ khó liên hệ hoặc đến cơ sở nha khoa hay bệnh viện để kiểm tra vì ban đêm mọi thứ đều khó kiểm soát.
rang-khon-la-gi-bac-si-cuong-nha-khoa
Nhổ răng khôn khó nên được nhổ vào buổi sáng sẽ an toàn hơn

Xem thêm: Khi nào nên nhổ răng khôn? Top 5 lý do CẢNH BÁO bạn cần biết (bscuong.com)

Thời điểm nhổ răng tốt nhất

Thời gian nhổ răng tốt nhất là khi cơ thể bạn khỏe mạnh và sẵn sàng về mặt tâm lý. Sau khi ăn no, việc ăn trước khi nhổ răng là điều nên làm vì sau nhổ bạn phải ngậm bông cầm máu ít nhất 30 phút đến 1 giờ, đồng thời môi có thể bị tê do thuốc tê vẫn còn tác dụng sau khi nhổ 1 đến 3 giờ.

Việc ăn ngay sau nhổ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, cắn phải môi, má do thuốc tê khiến bạn khó kiểm soát hơn khi nhai. Do đó bệnh nhân nên ăn no tương đối trước khi nhổ răng.

hoi-dap-bac-si-cuong-ve-cham-soc-suc-khoe-rang-mieng-lay-tuy-rang-khon
Hỏi đáp về thời điểm nhổ răng tốt nhất, những ngày không nên nhổ răng

Xem thêm: Có nên nhổ răng khôn khi đang bị đau [5 QUY TẮC VÀNG] chú ý (bscuong.com)

Khi nào nên tránh nhổ răng

Tránh nhổ răng khi răng đang có viêm nhiễm cấp tính nặng nề

Trường hợp răng cần phải nhổ đang bị viêm cấp tính, đau nhức, sưng nề. Hướng xử trí trước tiên thường là không phải nhổ bỏ răng mà là xử trí viêm bằng thuốc trước. Bệnh nhân được rạch thoát mủ viêm nếu có, uống thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm vài hôm.

Khi tình trạng viêm giảm bớt nhổ răng sẽ thuận lợi hơn, gây tê sẽ hiệu quả hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, chảy máu hơn là nhổ ngay lúc đang viêm nặng nề.

Trên thực tế vấn đề nhổ răng khi đang viêm cấp và khi đã kiểm soát viêm vẫn còn một số tranh luận chưa thực sự rõ ràng, một số quan niệm cho rằng nhổ răng luôn trong giai đoạn viêm nhiễm cấp tính vừa có thể tạo điều kiện dẫn lưu mủ, nạo sạch ổ viêm và giảm thời gian uống thuốc.

Tuy nhiên, khi đang viêm rất khó gây tê hiệu quả và chăm sóc sau nhổ cũng như có tiềm ẩn rủi ro nhiễm trùng cao nên nhiều chuyên gia nha khoa vẫn khuyên nên nhổ răng khi tình trạng viêm đã được kiểm soát.

rang khon nho rang khong dau bscuong nha khoa bac si cuong tphcm
Sâu răng, mất cấu trúc nhiều, đen gãy còn lại chân răng phí dưới, nên được nhổ bỏ

Không nên nhổ răng khi đang bị ốm hoặc vừa mới khỏi

Trong khi cơ thể đang bị bệnh hoặc vừa khỏi, hệ miễn dịch chưa thực sự hoạt động ở trạng thái tốt nhất, sức đề kháng cũng chưa thực sự tốt do đó nên trì hoãn nhổ răng. Tuy nhiên đối với các bệnh lý cảm cúm, sốt siêu vi… thì thường không ảnh hưởng nhiều.

Một số trường hợp răng cần có chỉ định nhổ ngay thì vẫn nên nhổ để tránh nhiều rủi ro hơn là việc trì hoãn.

met-moi-nhung-ngay-khong-nen-nho-rang
Cơ thể mệt mỏi, bị ốm hoặc vừa khỏi bệnh thì có thể được trì hoãn nhổ răng

Giai đoạn kinh nguyệt – ngày đèn đỏ

Về phương diện chuyên môn, các bác sĩ hoàn toàn có thể nhổ răng ở những ngày hành kinh. Tuy nhiên, những vấn đề về mặt tâm lý, bệnh nhân có thể sợ hơn, hồi hộp hơn.

Đồng thời tại thời điểm này cơ thể người phụ nữ mất đi một lượng máu, khi nhổ răng lại mất thêm nên có thể khiến cơ thể mệt mỏi và cần nhiều thời gian hồi phục hơn sau nhổ.

Phụ nữ mang thai

Trường hợp đau nhức răng và phải nhổ ở phụ nữ có thai không phải hiếm gặp, tuy nhiên các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên khám sức khỏe răng miệng tổng quát trước khi mang bầu đồng thời khi phát sinh vấn đề nhổ răng thì nên trì hoãn, một số trường hợp có thể nhổ ở 3 tháng giữa thai kỳ.

Việc nhổ răng có thể ảnh hưởng đến thai nhi ở các giai đoạn: chụp x quang trước nhổ, thuốc tê, và sau khi nhổ cần uống thuốc, thời gian nhổ lâu có thể khiến mẹ bầu khó chịu…

Tuy nhiên khi thực sự cần thiết phải nhổ răng thì các bác sĩ đều có thể thực hiện, việc nhổ răng trên phụ nữ mang thai luôn được kiểm soát kỹ lưỡng và cho thuốc giảm đau, kháng sinh nếu có sau nhổ phải an toàn cho cả mẹ và bé.

Xem thêm: Có bầu nhổ răng được không?

nho-rang-co-anh-huong-den-thai-nhi-khong-bac-si-cuong
Phụ nữ có thai ở ba tháng cuối hạn chế nhổ răng, đặc biệt là những răng khó

Mắc bệnh lý toàn thân chưa được kiểm soát

Không nên nhổ răng trên những bệnh nhân mắc bệnh toàn thân mà chưa được điều trị ổn định hoặc không có ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa khác như:

  • Rối loạn đông cầm máu: nhổ răng có thể gây chảy máy kéo dài sau nhổ không cầm được.
  • Bệnh lý tiểu đường: có nguy cơ nhiễm trùng sau nhổ, vết thương không lành hoặc rất chậm lành.
  • Bệnh nhân cao huyết áp: huyết áp tâm thu cao trên 140 mmHg có nguy cơ chảy máu sau nhổ kéo dài.
  • Bệnh tim mạch: các bệnh lý tim mạch khi nhổ răng cần đặc biệt chú ý và có thể gây rối loạn nhịp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nên được khám và điều trị liên chuyên khoa để có sự phối hợp giữa các bác sĩ nhổ răng và bác sĩ tim mạch.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch, đang sử dụng thuốc… đều có nguy cơ và biến chứng sau nhổ răng nhiều hơn những người bình thường. Do đó khi có chỉ định nhổ răng cần phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa khác.
nho-rang-lay-tuy-rang-tai-nha-khoa-bscuong-uy-tin-bac-si-cuong-tphcm
Nhổ răng tại nha khoa

Nhổ răng có cần xem ngày không?

Từ góc độ khoa học thì nhổ răng không cần xem ngày lành hay ngày xấu. Khi bác sĩ có chỉ định phải nhổ răng thì không nên trì hoãn, để tránh nhiều nguy cơ tiềm ẩn, rủi ro cũng như những biến chứng do răng gây ra.

Tuy nhiên, xét về kinh nghiệm của các người lớn để lại, nhổ răng nên coi ngày, tránh nhổ răng vào các ngày như đầu tháng, những ngày đầu năm, tháng 7 ầm lịch (tháng cô hồn)… vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như công việc người nhổ.

Trong quan niệm dân gian, việc xem ngày trước khi nhổ răng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo may mắn và tránh rủi ro sau quá trình điều trị. Người ta tin rằng việc lựa chọn ngày nhổ răng đúng sẽ mang lại kết quả tốt hơn, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về tài lộc và tâm linh.

giai-ma-nam-mo-thay-rung-rang
Mơ răng lung lay và giấc mơ thấy rụng răng chảy máu

Xem thêm: Nằm mơ thấy rụng răng điểm báo gì?

Những ngày không nên nhổ răng

Theo quan niệm dân gian, có một số ngày được coi là không nên nhổ răng, vì tin rằng việc nhổ răng vào những ngày này có thể gây ra rủi ro và ảnh hưởng đến sức khỏe và tài vận của người nhổ răng. Dưới đây là một số ngày phổ biến mà theo quan niệm dân gian, không nên nhổ răng:

  • Ngày đầu tháng: Ngày đầu tháng được coi là ngày lễ và linh thiêng, nên không nên nhổ răng để tránh xui xẻo và mất đi may mắn.
  • Ngày Tết và ngày lễ: Trong ngày Tết, ngày lễ hội truyền thống của người Việt, nhổ răng được xem là việc làm không may mắn và không được khuyến khích.
  • Những ngày cuối cùng của năm: Trong thời gian cuối năm, ngày chạp được xem là ngày cuối cùng của năm cũ và có ý nghĩa quan trọng. Nhổ răng vào ngày này có thể được cho là việc làm không tốt, gây mất đi sự bình an và tài lộc cho năm mới.
  • Ngày đầu tuần: Trong quan niệm dân gian, nhổ răng vào ngày đầu tuần được coi là không tốt và có thể mang lại những tác động xấu cho sức khỏe và cuộc sống của người nhổ răng.
  • Ngày sui rủi: Theo quan niệm tâm linh, có những ngày đặc biệt trong tháng được coi là ngày đen đủi, như ngày mùng 4, ngày mùng 7 âm lịch. Nhổ răng vào những ngày này có thể đem lại xui xẻo và không may mắn.

Tuy những quan niệm này đã tồn tại từ lâu đời trong văn hóa dân gian, không có bằng chứng khoa học cụ thể nào thuyết phục để chứng minh tính chính xác của nó. Do đó, việc nên hay không nên nhổ răng vào những ngày này là tùy thuộc vào quan niệm và tâm linh cá nhân của mỗi người.

Việc xem xét ngày trước khi nhổ răng theo quan niệm dân gian là một lựa chọn cá nhân và không được hỗ trợ bởi căn cứ khoa học. Quyết định cuối cùng vẫn nên dựa trên chỉ định của bác sĩ. Nếu răng của bạn đang gặp vấn đề như đau nhức, viêm nhiễm, hoặc các vấn đề khác, hãy tìm đến nha sĩ để được kiểm tra và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

nhung-ngay-khong-nen-nho-rang
Những ngày không nên nhổ răng

Chuyện may rủi kiêng không nhổ răng theo dân gian

Ngày cần tránh nhổ răng theo dân gian

Theo ông bà có câu ngày “Mùng năm, mười bốn, hai ba” là những ngày xấu “Làm gì cũng xấu, chẳng ra việc gì”. Đây là câu truyền miệng rất phổ biến trong dân gian, do đó nhiều người kiêng kỵ không đi nhổ răng vào các ngày 5-14-23 (âm lịch).

Theo khoa học vậy có thực sự những ngày này không nên đi khám răng, nhổ răng hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là không, đau nhức răng khởi phát từ một số nguyên nhân nhất định, nó không phụ thuộc vào ngày lành hay tốt. Nếu cảm thấy sức khỏe ổn thì đều có thể nhổ được.

Đầu tháng, mùng 1 đi nhổ răng có nên không?

Tương tự ngày mùng 1 âm lịch, đầu tháng nhiều người vẫn tin rằng không nên đi nhổ răng, cắt tóc, hay cắt móng tay, móng chân vì có thể sẽ làm giảm dương khí, dễ dẫn đến mất cân bằng âm dương và gây bệnh tật cho cơ thể.

Nhiều người cũng tin rằng nếu nhổ răng vào mùng 1 đầu năm có thể ảnh hưởng không tốt đến số vận của năm mới. Thực tế rất ít người đi nhổ răng vào ngày tết âm lịch bởi mọi người tranh thủ ăn tết, tuy nhiên nếu như gặp phải trường hợp đau nhức có thể sử dụng thuốc giảm đau, liên hệ ngay đến bác sĩ để tìm hướng giải quyết.

Các răng sâu bể, tai nạn rủi ro phải nhổ bỏ răng ngay những ngày nhạy cảm này thì cũng nên nhổ răng sớm.

Không nên cứng nhắc, quá tin vào những điều truyền miệng, bởi mục đích chính của việc kiêng cử là mong muốn bình an, được khỏe mạnh, tránh được những sui rủi. Nhưng đừng vì kỳ mùng 1 hay đầu tháng, đầu năm mà không đi nhổ răng kịp thời, có thể dẫn đến những tác động xấu, biến chứng nặng nề đến sức khỏe thì liệu điều này còn mang ý nghĩa tốt lành hay không?

Nhổ răng vào tháng cô hồn có làm sao không?

Kiêng nhổ răng vào tháng bảy âm lịch là chuyện được rất nhiều người biết đến. Họ tin rằng nhổ răng trong tháng cô hồn có thể gặp chuyện không may, nhiều biến chứng khó lường trước. Bởi lời đồn thổi rằng tháng 7 âm là tháng của người âm, những âm binh ghé thăm trần gian hạn chế ra đường và thường kiêng rất nhiều chuyện.

Thực tế, nếu có chuyện đó xảy ra thì người âm cũng như người thường, đều có người tốt người xấu. Dĩ nhiên lo sợ là điều không tránh khỏi, nhưng đừng quá tin vào những điều mà chưa có cơ sở khoa học.

nam-mo-thay-gay-rang-chay-mau-bac-si-cuong
Nhổ răng hoặc mơ thấy gãy răng có chảy máu là điềm báo không may đối với một số người

Có nên nhổ răng trước kì thi không?

Nhiều người cho rằng đi nhổ răng trước kì thi quan trọng có thể làm mất đi vận may. Chảy máu và đau nhức sau nhổ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ khi làm bài. Cũng có người nghĩ rằng nhổ răng sẽ chảy máu, điều này làm trôi mất đi sự may mắn của mình.

Thực tế, đây chỉ là truyền miệng, hiện nay không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh kiêng nhổ răng trước kì thi để có kết quả tốt. Nếu răng bạn có chỉ định nhổ thì nên trao đổi với bác sĩ để tìm hướng giải quyết, bác sĩ có thể kê thuốc cho bạn uống trước, trì hoãn khi bạn thi rồi thì nhổ cũng được.

Kết luận một số vấn đề cần lưu ý khi đi nhổ răng

Không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh mối liên hệ giữa ngày tháng tốt hay xấu và kết quả của việc nhổ răng. Các bác sĩ nha khoa khẳng định rằng quyết định việc nhổ răng nên dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại của răng và chỉ định của bác sĩ, chứ không phụ thuộc vào ngày tháng hay quan niệm tâm linh.

Theo lý thuyết khoa học, sự thành công, giảm rủi ro và biến chứng của việc nhổ răng phụ thuộc chủ yếu vào kỹ thuật và kinh nghiệm của nha sĩ, tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân và quá trình hồi phục sau khi nhổ răng. Các yếu tố như vệ sinh miệng, chế độ ăn uống và chăm sóc sau nhổ răng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được kết quả tốt nhất.

Dù không có căn cứ khoa học chính xác, nhiều người vẫn tuân theo truyền thống xem ngày trước khi nhổ răng. Điều này có thể được coi đó là một phần của tín ngưỡng và văn hóa dân gian, và không gây hại nếu không ảnh hưởng đến quyết định và quá trình điều trị của bệnh nhân.

Tóm lại, trong việc nhổ răng, quan trọng nhất vẫn là tìm đến nha sĩ uy tín và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Việc xem ngày trước khi nhổ răng có thể là lựa chọn cá nhân, tùy thuộc vào quan niệm và tâm linh của mỗi người.

Hi vọng qua bài viết này bạn có thể biết được những ngày không nên nhổ răng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe nhé! Nếu có bất kỳ thắc mắc cần sự hỗ trợ của bác sĩ hãy để lại bình luận phía dưới. Hoặc liên hệ trực tiếp Bác sĩ Cường – chuyên gia chuyên tiểu phẫu nhổ răng giỏi tại TP HCM.

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Cường chuyên khoa Răng Hàm Mặt

Nguồn tham khảo:

5/5 - (2 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
error: Alert: Cảm ơn bạn đã ghé thăm - Bác Sĩ Cường !!